SƠ LƯỢC VỀ HỌ ĐẠO CÔN SƠN
Côn Đảo là tên một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Côn Đảo hay Côn Sơn, cũng hay dùng để gọi tên của hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. Sử Việt trước thế kỷ 20 thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor. Ngày nay Côn Đảo là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam.
Côn Đảo được nhiều du khách đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên. Nhưng mấy ai biết được rằng, ở tại vùng đất này, từ năm 1954 cho tới khi đất nước thống nhất đã hình thành và tồn tại một ngôi nhà thờ cũng như một họ đạo với tên gọi Côn Sơn.
Nhà thờ Côn Đảo được xây dựng vào khoảng năm 1954. Cung thánh được thiết kế theo tinh thần tiền Công Đồng: có một bàn thờ chính và hai bàn thờ phụ. Phía trên bàn thờ chính là nhà tạm; trên nữa là bức tượng Đức mẹ ẵm Chúa Giêsu, với chiều cao khoảng 1,50 m. Hai bàn thờ phụ có tượng trái tim Chúa và tượng Đức Mẹ Fatima cao 0,9 m.
Tháp chuông được xây phía trước nhà thờ. Chuông có đường kính là 0,8m, hai bên có hình nổi Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Chung quanh có chữ nổi “Eglise de Poulo Condor”.
Năm 1958, Cha Bartôlômêô Nguyễn Thiên Thuật (gốc Bắc Ninh, đang hưu dưỡng tại Thủ Đức- Tp.HCM) được sai đến chăm sóc họ đạo. Thời gian này Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn, giáo phận Quy Nhơn có hai lần ra kinh lý và ban phép Thêm Sức.
Tháng 10 năm 1967, Cha Thuật mãn nhiệm và Cha J.B Nguyễn Văn Dư kế tục. Trong nhiệm kỳ hai năm, Cha J.B đã thực hiện nhiều chương trình cho họ đạo mà điển hình là sửa lại cung thánh cho phù hợp với tinh thần Công Đồng Vatican II. Cũng trong thời gian này, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã cùng một số Cha đến thăm viếng Họ đạo
Cuối tháng 10 năm 1969, Cha Dư mãn nhiệm và trở về về Sài Gòn. Từ đó Côn Đảo không có cha sở. Các linh mục chỉ thay phiên ba tháng một lần đến và ở lại một tuần như: cha P. Trần Văn Thống (2 lần); cha Đỗ Văn Nhơn; cha Trần Tử Nhân và cha Thành Tâm.
Đến năm 1971, Cha Anphong Phạm Gia Thụy, CssR, tình nguyện ra làm Cha sở. Đây là thời điểm chiến tranh leo thang, số tù nhân ở Côn Đảo lúc ấy có khoảng 23.000 người. Cha Anphongsô đã phải dựng thêm một nhà nguyện bằng lều vải. Cũng từ đó, vào các ngày Chúa nhật, Ngài phải dâng 4 Thánh lễ: hai tại nhà nguyện
lều, và hai tại nhà thờ Côn Sơn. Với ân chuẩn đặc biệt, Cha được quyền ban cả bí tích Thêm Sức cho giáo dân. Dù Qua bao thăng trầm của thời cuộc, Cha vẫn gắn bó cùng cộng đoàn nghèo khó tại đây.
Đầu năm 1975, cảm nhận được sự thay đổi về vận mệnh đất nước nói chung và nơi mảnh đất này nói riêng, cha Anphongsô đã cho các em từ bảy tuổi trở lên xưng tội rước lễ lần đầu; ban phép Thêm Sức cho các em từ 12 tuổi trở lên và chuẩn bị tư tưởng cho những người trưởng thành biết sống đạo thế nào khi vắng bóng chủ chăn. Ngài đã dạy cho họ cách thức cử hành các phép bí tích mà giáo dân được phép thực hiện như rửa tội, hôn phối…
Đầu năm 1976 chính quyền địa phương trưng dụng nhà thờ, loại bỏ những yếu tố tôn giáo như hang đá Đức Mẹ, tháp chuông, thiết kế lại nhà thờ để làm thành rạp chiếu phim. Mọi sinh hoạt tôn giáo của tín hữu còn chăng chỉ là những giờ kinh gia đình hoặc là những nỗ lực cá nhân đầy gian nan để sống Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày.
Năm 1999, Côn Đảo thuộc Giáo Phận Xuân Lộc. Từ năm 2005 cho đến nay, Côn Đảo thuộc giáo phận Bà Rịa.
Nguồn : Website GP Bà Rịa