ĐÔI NÉT BÍ ẨN VỀ HANG ĐỨC MẸ MARIA Ở CÔN ĐẢO
LỜI NÓI ĐẦU (bài blog được viết dưới con mắt khách quan của người không có đạo và căn cứ bởi nhiều tài liệu)Trong một lần tình cờ đi với bạn đến tham quan Hang Đức mẹ Maria trên đường qua Bãi Bàng, Bãi Đất Thắm – Côn Đảo. Tôi bỗng chú ý đến lời người bạn nói khi họ chụp một bức hình chính diện về hang động và gửi cho bạn của họ. Điều đặc biệt là người bạn đó đã cho rằng các họa tiết trên bệ đỡ rất kỳ lạ. Tôi lập tức bỗng cảm thấy thú vị và tìm hiểu về các họa tiết này, nhưng đáng tiếc trên công cụ tìm kiếm internet không có một bài nào chi tiết để tôi cảm thấy thỏa mãn sự tò mò.

Mang tiếng là dân Côn Đảo ở hai mươi mấy năm, vậy mà tôi chỉ mới biết về Hang Đức Mẹ cách đây chừng 4-5 năm gì đó. Lúc đó, tôi gặp một nhà văn người Mỹ, chỉ là nói chuyện vu vơ vui vui vừa luyện tiếng Anh vừa coi như giúp đỡ vì người này muốn viết về lịch sử và địa lý Côn Đảo. Ông ta bảo thật kỳ lạ, trong văn hóa người Pháp, họ vô cùng tôn sùng Đức Mẹ Maria, họ cho xây dựng tượng Đức Mẹ trên núi để cầu nguyện những điều thiêng liêng tốt đẹp, nhưng ở dưới núi họ lại làm hành động đàn áp và gi*t người. Tôi chỉ im lặng và không trả lời câu nói này của ông ta, chắc ông ấy quên theo sau chân người Pháp cũng là người Mỹ…
Quay trở lại câu chuyện, tôi lò mò search bằng nhiều từ khóa để xem có thể có thêm chút manh mối nào không? Đối với nhiều người chắc đây là đề tài nhạy cảm, nhưng không hiểu sao tôi lại có hứng thú tìm hiểu đến thế. Nói trước là sự hứng thú về văn hóa – xã hội, không có liên quan đến tuyên truyền gì ở đây, vì nguồn gốc tôn giáo cũng là nguồn gốc khía cạnh văn hóa của một nhóm người trong xã hội.
- Thời điểm ra đời của Hang Đức Mẹ Maria
Vào thế kỷ 19, khi người Pháp phát hiện một cái hang đá tự nhiên trên núi, đường đi đến Bãi Ông Đụng sau này. Họ đã cho đặt tượng Mẹ Maria và cầu nguyện cho cuộc sống của riêng họ trong thời gian đô hộ và đặt ách cai trị tại Côn Đảo. Cho đến hiện tại, đây được xem là một trong những địa điểm du lịch độc đáo mà khách du lịch không thể không đến. Trên đường đến đây, mọi người có thể bắt gặp một cột mốc bằng đá bằng tiếng Pháp với nội dung “Grotte de N.D.L” (Hang Đức Mẹ).

- Ký hiệu X lồng bên trong chữ P
Nó nằm phía bên tay trái nhìn từ chính diện của Hang Mẹ. Theo tư liệu, đây là viết tắt cho từ Christus/Kitô. Đây là hai chữ cái đầu tiên trong tiếng Hy Lạp về Chúa Kito – Xριστός.

Nếu đọc trong tiếng Hy Lạp thì đó là hai chữ C (chi – phát âm là “khi”) và R (rho- phát âm là “rô”). Chữ P trong tiếng Việt là chữ R trong tiếng Hy Lạp được viết hoa. Nên chữ XP chính là hai chữ CR (chi rho) được viết hoa, đó cũng là chữ viết tắt của Christos – Xριστός. (nôm na Chi rho là Kitô).
Biểu tượng này thường xuất hiện trên bìa sách tôn giáo, trên áo lễ hay dây vai của các linh mục.

Ký tự này xuất hiện từ thời các tín đồ Kito giáo ẩn náy tại hang toại đạo, thời tử đạo Roma (trước năm 313), được hoàng đế Constantin vẽ trên hiệu kỳ Labarum, khi tiến chiếm thành phố Roma và in trên đồng tiền La Mã vào thế kỷ thứ IV. Đoạn này mình viết ngắn gọn vì trong lịch sử Hy Lạp ông vua này khá đặc biệt nhưng nó hơi đi xa bài blog.
Vì sao ký tự này xuất hiện dưới tượng mẹ Maria? Điều này cũng dễ hiểu vì theo Kito giáo, Chúa Giesu được Đức mẹ Maria đồng trinh sinh ra.
Ký hiệu chữ A và Omega

Nằm phía bên phải khi nhìn từ phía chính diện Hang Mẹ. Đây là hai ký tự có lịch sử lâu đời trong Kito giáo và bắt nguồn từ sách Khải Huyền. Trong đó có đoạn đề cập đến việc Chúa Giêsu nhận là Alpha và Omega, tức là khởi nguyên và cũng là cùng tận. Do đó, từ thời kỳ đầu của đạo Kito giáo, hai ký tự đầu và cuối bảng chữ cái Hy Lạp này được dùng để “tuyên xưng thần tính” của Chúa Giêsu Kito (vì trích từ tài liệu nên có một số từ ad không hiểu rõ lắm). Nói nôm na ký tự này cũng là chỉ Chúa Giêsu và đại diện như một chân lý dành cho các tín đồ của Đạo này.
Hình ảnh chú dê nằm ở vị trí chính giữa
Trong Kito giáo, hình ảnh con dê là một sinh vật gần gũi. Theo truyền thuyết, Đức chúa Giesu chào đời trong một máng cỏ tại hang có nhiều dê, chiên, lừa… thở hơi ấm vào đêm tuyết giá lạnh. Ngoài ra, hình ảnh con dê làm vật hy sinh, nhận lãnh làm của đền tội cho người Do Thái không một lời than vãn thực ra là hình ảnh của chúa Giesu gánh nhận trên vai mọi tội lỗi của nhân loại (theo tài liệu). Nhưng bên cạnh đó, trong kinh thánh còn cho thấy dê chính là vật cưng của Quỷ Sa tăng. (Cái này chắc những ai là đạo Kito giáo sẽ hiểu, còn ad là người không có đạo mà chỉ tìm hiểu để biết thêm đôi chút về di tích này).

Hồi nhỏ đọc một quyển truyện thần thoại Việt Nam dày ngang cuốn từ điển mà vẫn mê đọc. Còn đọc tới thần thoại Hy Lạp là ngủ ngang, mặc dù cũng là con mọt sách, ad vẫn thấy đau đầu khi đọc lâu các tài liệu này. Căn bản là văn hóa quá khác biệt, đặc biệt là thần thoại Hy Lạp có những câu chuyện yêu đương lằng nhằng lục zục quá phức tạp khiến một đứa trẻ không thể tiếp nhận nổi. Nên riêng về chủ đề này dù rất muốn chia sẻ thật nhiều để mọi người cùng hiểu thêm, ad đành chịu vậy!
Tóm lại: sau khi tìm hiểu thì thực ra không có gì “kỳ lạ” ở đây như lời người bạn của bạn ad nói cả. Nếu có sự kỳ lạ thì biết bao nhiêu nhà văn, nhà báo họ đến tham quan họ đã phát hiện ra và có tư liệu để ad tham khảo thêm rồi. Dù sao đây cũng là cơ duyên để ad có đề tài viết blog nhân ngày cuối tuần! Nếu bạn có thêm thông tin nào hữu ích hãy cùng chia sẻ với ad nhé!
Nguồn: internet.