HỌ ĐẠO CÔN SƠN


Loan Báo Tin Mừng

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy Tuần 23 TN – Năm A.

Thánh Cornêliô và Thánh Cyprianô

BÀI ĐỌC I: 1 Tm 1, 15-17

“Người đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Lời nói chân thật và đáng tiếp nhận mọi đàng là: Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này, để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Đức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời. (Nguyện) danh dự và vinh quang (quy về) Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời! Amen.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 112, 1-2. 3-4. 5a và 6-7

Đáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng đến muôn đời (x. c. 2).

1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời.

2) Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa.

3) Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất? Người nâng kẻ hèn hạ lên khỏi trần ai, và rước người nghèo khó khỏi nơi phẩn thổ.

ALLELUIA: x. Cv 16, 14b

All. All. – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. – All.

PHÚC ÂM: Lc 6, 43-49

“Tại sao các con gọi Thầy ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra. Tại sao các con gọi Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

16/09/2023 – THỨ BẢY TUẦN 23 TN

Th. Co-nê-li-ô, giáo hoàng và Xíp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo

Lc 6,43-49

CHÉN THÁNH CHỨA ĐẦY ĐỨC KI-TÔ

“Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,45)

Suy niệm: Cổ nhân có câu: “Hữu ư trung tất hình ư ngoại” thật đúng như Lời Chúa nói với chúng ta: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra.” Muốn nhận định tình trạng tâm hồn mình thì cứ xét chất lượng những “sản phẩm” đầu ra của nó là rõ. “Xem quả thì biết cây”: cây tốt thì sinh trái tốt. Tuy nhiên, lắm khi chúng ta nhận định sai vì chỉ mới ‘xem mặt’ đã vội ‘bắt hình dong’: Có những lời nói việc làm nhìn bên ngoài thật đẹp thật tốt, nhưng nếu xét đến động cơ, ý hướng của chúng mới thấy thực ra đó là những viên thuốc độc bọc đường.

Mời Bạn: “bắt mạch” tâm hồn mình: Bạn có lỡ quen miệng, hễ mở miệng ra là nói tục? Bạn có thích mua vui bằng cách kể chuyện tục tĩu hoặc nói xấu người khác? Bạn có ‘bệnh’ ăn nói khoa trương quá sự thật? Hoặc ‘bệnh’ nặng đến độ “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không gươm” không? Nếu bạn thấy những triệu chứng đó nơi mình, đó là dấu tâm hồn bạn đang bị nhiễm độc; bạn cần “tẩy độc”, “thay máu” tâm hồn mình rồi đó. Cha Chautard có ‘kê đơn’ cho những ai mắc bệnh này: “Hãy trở nên chén thánh chứa đầy Đức Ki-tô” bằng các ‘vị thuốc’ thần hiệu: siêng năng nghiền ngẫm Lời Chúa và rước Thánh Thể. Lòng có đầy Đức Ki-tô thì mới nói Đức Ki-tô cho người khác được.

Sống Lời Chúa: Dùng thang thuốc của cha Chautard: mỗi ngày 5 phút suy niệm Lời Chúa và rước lễ hằng ngày, nếu không thể rước lễ cách hữu hình thì ít là rước lễ thiêng liêng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa chiếm ngự con bằng ý chí của Chúa, để con chỉ muốn điều Chúa muốn; xin đổ đầy tâm hồn con bằng tình yêu của Chúa, để con chỉ yêu những gì Chúa yêu.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Có nhiều cách để nhận biết sự thật về một người.
Chúng ta có thể bị hấp dẫn bởi những lời giảng hùng hồn.
Chúng ta cũng có thể bị đánh lừa bởi thái độ khôn khéo giả tạo.
Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra con người thật :
“Xem quả thì biết cây” (c. 44).
Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm.
Nếu nhìn kỹ công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai.
Đức Giêsu nói lên một luật tự nhiên của cây cỏ.
Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon.
Người công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ,
qua những thử thách họ đã vượt qua, qua những hy sinh họ dâng hiến.
Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa.
Đời sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ.
Bụi gai không sinh được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho.
Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh hoa trái tốt đẹp.

Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Đức Giêsu.
Không phải chỉ là tuyên xưng đức tin vào Thầy
bằng cách kêu lên : “Lạy Chúa! lạy Chúa !”
Vấn đề là làm điều Thầy dạy (c. 46).
Đức Giêsu đặt câu hỏi tại sao đầy ngạc nhiên với các môn đệ:
Tại sao tin vào Thầy mà lại không sống điều Thầy truyền dạy?
Kitô hữu chân chính là người đến với Chúa Giêsu,
lắng nghe những lời của Ngài và thi hành những lời ấy (c. 47).
Nghe thôi thì chưa đủ.
Lời của Chúa Giêsu phải thấm nhuần vào đời sống của ta,
chi phối mọi hành động, quyết định và lựa chọn.

Đức Giêsu kết thúc Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà.
Nhiều người đã nghe Bài Giảng này, đã cảm thấy hay,
nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong đó ?
Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc.
Còn người không thực hành thì giống như người làm nhà không nền.
Bề ngoài có vẻ hai căn nhà không khác nhau.
Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác biệt.
Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành.

Chúng ta thích xây nhà cao, nhưng lại ít để ý tới nền móng.
Chúng ta đã được nghe quá nhiều đoạn Lời Chúa,
nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc suy niệm, cầu nguyện.
Lời Chúa chưa thực sự bám rễ trong hành động và cuộc sống,
vì điều đó đòi một sự trả giá mà chúng ta muốn quay lưng.
Chính vì thế căn nhà tâm linh của chúng ta vẫn không vững.
Xin Chúa cho chúng ta can đảm để làm lại nền cho căn nhà đời ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu
Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
Nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,
Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,
Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
Được xây trên nền tảng vững chắc,
Đó là lời Chúa
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG CHÍN

Hội Thánh Khải Hoàn

Cùng với sự nhận hiểu quan trọng nói trên về Giáo Hội xét như là cộng đoàn các Kitô hữu, phụng vụ cho chúng ta thấy đặc tính thần diệu của Giáo Hội xét như là Giêrusalem, Thành Thánh, “xuất phát từ trời cao, từ nơi Thiên Chúa” (Kh 21,10). Thành Giêrusalem trên trời là Hội Thánh khải hoàn và được vinh hiển trong Đức Kitô. Nó bao gồm những ai được vui hưởng phần thưởng sự sống vĩnh cửu nhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô.

Như Thánh Gioan Tác giả Sách Tin Mừng, chúng ta cũng phải luôn luôn dõi đôi mắt tâm hồn về Thành Giêrusalem vinh quang trên trời. Đó là mục tiêu cuối cùng của hành trình cuộc sống chúng ta. Chúng ta phải luôn luôn chiêm ngắm “viễn cảnh hoà bình hồng phúc” này – một viễn cảnh trở thành niềm hy vọng đầy sức khích lệ cho chúng ta. Những anh chị em đã đạt đến ơn cứu độ đang chờ đợi chúng ta trong Thành Thánh của Thiên Chúa. Và tại chính ngai toà của Thiên Chúa, họ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta – để sẽ đến ngày chúng ta cũng được sum vầy với họ.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 16/9

Thánh Coraêliô, Giáo hoàng, tử đạo

Và Thánh Cyprianô, Giám mục tử đạo

1Tm 1, 15-17; Lc 6, 43-49.

Lời Suy niệm: “Tại sao anh em gọi Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Mà anh em không làm điều Thầy dạy?”

          Trong cả Bốn Sách Phúc Âm Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan, đều ghi lại những điều Chúa Giêsu giảng dạy, ngoài ra còn có Sách Công Vụ Tông Đồ, các thư của thánh Phaolô, Phêrô, Giacôbê, Gioan và Sách Khải Huyền. Sau thời các Tông Đồ còn có các Thông điệp, Tông Huấn… của các Đức Giáo Hoàng và Các giáo huấn trong các Công Đồng. Gần nhất là Công Đồng Vaticanô II.

          Lạy Chúa Giêsu . Xin cho Giáo Hội và mọi thành phần dân Chúa luôn nhẫn nại trong học hỏi cũng như nhẫn nại trong truyền đạt và hướng dẫn, để tất cả được thấm nhuần trong hiểu biết và tích cực trong hành động vì Nước Chúa và vì con người. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

NGÀY 16-09 THÁNH CORNELIÔ – GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO (+253)

Thánh Cornêliô sinh tại Roma là người có một lối sống trong sạch thuần khiết và khiêm tốn sâu xa không thể trách cứ được. Sau khi giữ các phận vụ trong Giáo hội và được mọi tín hữu thán phục, Ngài lên ngôi thánh Phêrô, kế vị Đức giáo hoàng Fabianô. Đấng đã chết vì đạo 15 tháng trước trong cuộc bách hại của Đêciô. Nhưng lên ngôi ít lâu, Ngài đã phải đương đầu với cuộc ly khai đầy gương mù của một giáo hoàng giả.

Novatianô là một linh mục đầy tham vọng được một linh mục Phi châu hậu thuẫn. Họ nổi tiếng về triết học và tài lợi khẩu, đến nỗi có người than phiền vì đã chọn Đức Cornêliô làm giáo hoàng mà không chọn Novatianô. Hai người nổi loạn đã nỗ lực tuyên truyền và lôi kéo được một số tín hữu và cả một số giám mục. Ba giám mục Italia đã đặt tay tấn phong cho Novatianô làm giám mục. Ông liền viết thư cho nhiều giám mục chống lại Đức giáo hoàng Cornêliô, trách cứ Ngài qua dễ dàng tiếp nhận lại những người đã dâng hương tế thần.

Sáng chói trên ngai tòa Phêrô, vì các nhân đức của vị tông đồ chân chính, thánh Cornêliô đã dùng cả con đường hiền dịu lẫn cứng rắn mà không lôi kéo được 2 con người phản bội trở lại đường ngay. Thánh Cyprianô sau khi biết rõ việc tuyển chọn hợp pháp của thánh Cornêliô đã trợ lực với Ngài hết mình để mang lại sự hợp nhất cho Giáo hội. Dù có một vài hiểu lầm, thánh Cornêliô và Cyprianô liên kết mật thiết với nhau như những người bạn thiết. Những sắc lệnh kết án Novat và Novatianô được một công đồng ở Roma chuẩn nhận.

Khi Gallo mở lại cuộc bắt đạo, Đức Corneliô bị tống giam. Ngài bị đầy tới Contumcella, bây giờ là Civita Vecchia. Trong một lá thư chào mừng, thánh Cyprianô viết:

– “Chúng ta cầu nguyện cho nhau trong những ngày bách hại này, nâng đỡ nhau bằng tình bác ái. Nếu ai trong chúng ta được Thiên Chúa ban đặc ân cho qua đời trước chớ gì tình thân hữu vẫn tiếp tục thúc đẩy Chúa dủ tình thương xót anh chị em chúng ta.

Quả thật thánh Cornêliô đã chẳng sống lâu. Ngài đã chết trong khi đi đầy vào tháng 6 năm 253 và được an táng tại Kentumcelloe và sau này dời về nghĩa trang thánh Callistô. Tình bằng hữu của hai thánh Cornêliô và Cyprianô vẫn còn sống mãi cho đến ngày nay và Giáo hội kính nhớ các Ngài vào cùng một ngày.

*********************

NGÀY 16-09 THÁNH CYPRIANÔ – GIÁM MỤC TỬ ĐẠO (210 – 258)

Thánh Cyprianô là một khuôn mặt sáng chói trong Giáo hội sơ khai, là một người Phi Châu. Hồi còn là lương dân, với những tài năng đặc biệt của một giáo sư dạy khoa hùng biện và của một luật sư, Ngài đã buông mình theo thú vui như một thanh niên thời đó. Nhưng khi nhờ cha Côcilianô đưa trở lại với đức tin Kitô giáo, Ngài đã hết lòng từ hiến đời mình để phụng sự Chúa Kitô. Quyết sống độc thân, bán hết gia sản và nhà cửa để phân phát cho người nghèo. Ngài cũng từ bỏ văn chương để học hiểu kinh thánh, một số tác phẩm và một số tuyển tập thư tín của Ngài là phần đóng góp cho nền văn chương Kitô giáo.

Với cuộc sống như vậy, chẳng lạ gì khi vừa trở lại đạo, Ngài đã được thụ phong linh mục và năm 249 được chọn làm giám mục Carthage, dưới sức ép của hàng giáo sĩ và giáo dân. Ngài đã có được mọi khả năng và đức tin mà một giám mục có thể có được. Với hết tâm lực, Ngài tìm cách nâng cao nếp sống luân lý đạo đức của một đoàn chiên sau nhiều năm phóng túng vì cuộc bách hại. Đặc biệt Ngài đã viết truyền đơn chống lại sự thế tục của các trinh nữ tận hiến.

Một năm sau khi được tấn phong, năm 250 hoàng đế Đêciô bắt đầu một cuộc bách hại đầy nguy hiểm vì được tổ chức có hệ thống. Ong bắt mọi người phải dâng lễ kính thần minh của ông. Nhiều Kitô hữu đã tuân phục. Một số khác tìm cách mua những giấy chứng nhận để được yên thân vì nghĩ rằng: Giáo hội không thể thiếu một vị giám mục khi phải đương đầu với cơn bão táp. Từ nơi trú ẩn Ngài viết thơ hướng dẫn đoàn chiên.

Cuộc bách hại chấm dứt sau cái chết của Đêciô. Nhiều người Kitô hữu chối đạo trở về với Giáo hội. Thánh Cyprianô chủ tọa một công đồng trong đó quyết định rằng: những người dâng lễ kính thần minh chỉ được tha tội trước khi chết, còn những người chỉ mua giấy chứng nhận (1a belli), thì được tha sau một thời gian thống hối. Novatô, một linh mục và Fêlicissimô, một phó tế đã ly khai vì muốn tha ngay, thánh Cyprianô đã hỗ trợ cho đức giáo hoàng Cornêliô chống lại nhóm ly khai theo Novatianô. Cùng với nhiều lá thư Ngài gửi cho các Kitô hữu Roma một khảo luận về sự hiệp nhất Giáo hội “De Unitate Ecclesiae” trong đó Ngài nhấn mạnh tới thượng quyền của đấng kế vị thánh Phêrô.

Năm 253, một cơn dịch lan tràn khắp đế quốc. Các Kitô hữu ở Carthage quảng đại phục vụ các nạn nhân. Nhưng người ta mê tín lại cho rằng: các thần minh đã giận dữ với người Kitô hữu. Hoàng đế Gallô mở một cuộc bách hại mới. Một sắc lệnh mới tha tội cho mọi hối nhân để họ đứng vững trong đức tin. Dầu vậy cuộc bách hại đã không dữ dội ở Carthage và Đức Cha Cyprianô không bị quấy rầy.

Chẳng may có sự tranh chấp giữa thánh Cyprianô với đấng kế nhiệm thánh Cornêliô là Đức giáo hoàng Stêphanô về việc rửa tội lại cho người đã được rửa tội trong lạc giáo. Cuộc ly khai đã không xảy ra vì Đức Sixtô kế vị đức Stêphanô được giữ tập tục của mình.

Năm 257, hoàng đế Valêrianô lại khơi dậy cuộc bách hại. Thánh Cyprianô là nạn nhân của cuộc bách hại này. Các tường thuật về cuộc diện kiến của Ngài trước quan tổng trấn và về cuộc tử đạo của Ngài dựa tên các tài liệu chính thức của một người đã được mục kiến. Trước mặt tổng trấn Paternô, Ngài tuyên xưng đức tin và không chịu nộp danh sách các linh mục. Ngài bị đày đi Curubis, một thành bên bờ biển là nơi Ngài viết khảo luận cuối khuyên nhủ can đảm chịu chết vì đạo. Vào đêm trước khi bị lưu đày, Ngài mơ thấy mình bị chặt đầu vào năm sau.

Quả thật, năm sau, vào mùa thu năm 258 có sắc lệnh xử các giáo sĩ. Ngài bị điệu về trước mặt quan tổng trấn mới là Galeriô Maximô. Sau một đêm sống với đoàn chiên. Sáng 14 tháng chín Ngài đứng trước quan tòa và bị chất vấn:
– Ngươi là Thasciô, thượng tế của bọn người phạm thánh phải không ?
– Phải
– Đức hoàng thượng dạy ngươi phải dâng lễ tế các thần minh.
– Tôi sẽ không làm.
– Hãy nghĩ lại đi.
– Quan hãy làm như chỉ thị, khi đường đi ngay thẳng lại phải suy tính làm gì.

Quan tòa ra lệnh xử trảm thánh nhân. Ngài truyền đem 25 tiền vàng thưởng cho lý hình. Các Kitô hữu thi nhau thấm máu người làm kỷ vật.

Đêm hôm sau các Kitô hữu đã rước đuốc mang thân thể Ngài mai táng trong phần mộ của Macrôbiô Condidianô, một quan chức Roma “trên đường Pmappala gần các hồ nước”. Một ít ngày sau quan tổng trấn cũng theo Ngài tới phần mộ. Chúng ta có được bản ký sự về thánh Cyprianô do Pontiô của Ngài viết.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

16 Tháng Chín

Sống Là Một Cuộc Chạy Ðua

Vào khoảng cuố tháng 4 năm 1989, một cuộc chạy việt dã gây quỹ cho thế giới đệ tam đã được tổ chức tại 300 thành phố bên Pháp Quốc. Cuộc chạy bộ này đã cho tổ chức có tên là chống đói và giúp phát triển thuộc Giáo Hội Pháp đề xướng, và với sự hỗ trợ của Bộ Thanh Niên và Thể Thao.

Từ năm 1968 đến nay, hằng năm, tổ chức chống đói và trợ giúp phát triển phát động những chiến dịch tương tự để gây ý thức nơi giới trẻ về những vấn đề phát triển trên thế giới, nhất là tại các nước nghèo.

Trong cuộc chạy việt dã nói trên, các bạn trẻ mang theo trong người những tấm vé số mà họ sẽ bán cho người lớn. Trung bình, cứ mỗi cây số chạy được, mỗi bạn trẻ bán một vé số. Mỗi một vé số trị giá gần hai Mỹ kim. Theo dự tính, tổng số cây số mà các bạn trẻ sẽ chạy được lên đến 120,000 cây số, nghĩa là tương đương với một vòng thế giới đệ tam.

Số tiền thu được sẽ trao cho tổ chức chống đói và trợ giúp phát triển để tài trợ cho hai dự án phát triển tại Colombia: một dự án nhằm tái định cư những nạn nhân của vụ núi lửa tại Armero cách đây hai năm, và một dự án khác nhằm thiết lập những vườn trẻ tại thủ đô Bogota.

Nhiều bạn trẻ thuộc các phong trào Công Giáo tiến hành, các nhóm học giáo lý, các học sinh tại các trường Công Giáo đã hăng say tham gia vào chiến dịch nói trên.

Trong cuộc sống tại các nước tân tiến ngày nay, ai cũng thấm thía với câu ngạn ngữ: sống là một cuộc chạy đua! Buổi sáng, người ta chen lấn nhau để lên xe chạy đến sở làm; buổi chiều, người ta giành giựt nhau một chỗ trên xe để về nhà sớm. Hàng tháng, người ta phải chạy đua với sự leo thang của vật giá. Và dĩ nhiên, những tiện nghi mỗi ngày một mới mẻ cũng khiến cho con người chạy bở hơi tai.

Cuộc chạy đua nào cũng đưa lại mệt mỏi. Nhưng mệt mỏi hơn cả đó là cuộc chạy đua trong đó con người không biết mình sẽ đi về đâu… Ðó là hình ảnh của một cuộc sống không có mục đích.

Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống của người Kitô với một cuộc chạy đua. Người Kitô cũng cảm nghiệm được những nhọc mệt trong lộ trình, nhưng họ luôn kiên trì vì biết chắc đích điểm và phần thưởng đang chờ đợi họ.

Người Kitô cũng kiên trì chạy đua, bởi vì họ không chạy lẻ loi trong cuộc sống, nhưng họ biết rằng bên cạnh họ, còn có những người anh em cùng chung sức với họ… Một vòng tay, một nụ cười, một cử chỉ thân ái, một hành động tương trợ: bao nhiêu cử chỉ ấy là bấy nhiêu nâng đỡ cho người Kitô trong cuộc hành trình của họ và cũng là bấy nhiêu ánh sáng soi dẫn trong cuộc chạy đua của họ.

(Lẽ Sống)

LIÊN HỆ

Hoàng Minh:

Lm. Đặng Duy Linh:

Trang Web Họ Đạo:

GIỜ LỄ

Chúa nhật:

  • Thứ Bảy lúc 18h30
  • Chúa Nhật lúc 07h sáng và 18h30 chiều.

Ngày thường: 

  • Lễ hoặc Đọc kinh, suy niệm Lời Chúa lúc 18:30

Hành hương Đức Mẹ Côn Sơn: 

  • Lúc 2 giờ chiều ngày Chúa Nhật
  • Lúc 5 giờ 30 sáng, ngày 13 hàng tháng.

FACEBOOK HỌ ĐẠO

BẢN ĐỒ HƯỚNG DẪN

Kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp! Con được đến khẩn cầu dưới bức chân dung Mẹ hay làm phép lạ, thì linh hồn con hết lòng trông cậy vững vàng, khác nào con thảo đối với Mẹ lành vậy. Con thấy Đức Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người, và cũng là Chúa con đang ngự trên tay Mẹ, Người là Đấng phép tắc vô cùng, là Chúa Tể cầm quyền sinh tử, là Đấng ban phát mọi ơn lành. Vì Mẹ là Mẹ Người, vậy Mẹ có đủ quyền thế mà kêu xin Người, cùng đủ quyền buộc Người phải ưng nhận lời Mẹ. Người đã xưng thật Người chẳng có thể từ chối Mẹ ơn gì, mà lại ước ao muốn nghe lời Mẹ xin. Vậy lạy Mẹ Chúa Giêsu! Lời Mẹ cầu bầu rất đỗi thần thế, nên con dám nài xin Mẹ trong giờ khấn này, ban cho con như ý con xin. Con hết lòng cầu xin và trông cậy vững vàng Mẹ sẽ chuyển cầu cho con. Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp! Xin che chở mọi kẻ thuộc về con, cho Đức Giáo Hoàng, cho Hội Thánh, cho nước con, cho gia đình con, cho kẻ tình nghĩa, kẻ thù nghịch, và hết mọi kẻ khốn khó. Sau hết cho các Linh Hồn đáng thương trong Lửa Luyện Ngục. Thánh Maria, lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu bầu cho con. Lạy Thánh Anphongsô, quan thầy bầu chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi thiếu thốn biết chạy đến cùng Đức Mẹ Maria. Amen.

  Imprimatur, 14.02.2020 GM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm  Giáo phận Mỹ Tho 

KINH RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG

Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao rước Chúa vào linh hồn con. Nhưng, bởi vì bây giờ con không thể rước Chúa được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng, chẳng khác gì như con được rước Chúa thật. Con xin đón rước Chúa, cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ.”