HỌ ĐẠO CÔN SƠN


Loan Báo Tin Mừng

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm Tuần 4 Phục Sinh

Thánh Marcô

 

BÀI ĐỌC I: 1 Pr 5, 5b-14

“Marcô, con tôi, gửi lời chào anh em”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường để đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm nhường. Vậy anh em hãy hạ mình dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người nhắc anh em lên trong thời giờ Người thăm viếng. Anh em hãy trút bỏ cho Người mọi điều lo lắng của anh em, bởi vì chính Người chăm sóc anh em.

Anh em hãy ăn ở tiết độ và hãy tỉnh thức, vì kẻ thù anh em là ma quỷ, như sư tử gầm thét, nó rình mò chung quanh, tìm kiếm một ai để nuốt. Anh em hãy vững vàng trong đức tin mà chống lại nó, vì biết rằng hết mọi người anh em khác trong thế gian đều phải chịu cùng một sự đau khổ đó. Nhưng Thiên Chúa nguồn mạch mọi ân sủng, Đấng đã kêu gọi anh em tham dự vinh quang đời đời của Người trong Đức Giêsu Kitô, chính Người sẽ làm cho anh em là những người chịu đau khổ ít lâu, được hoàn thiện, vững vàng và kiên cố. Nguyện Người được vinh quang và uy quyền đến muôn đời. Amen.

Nhờ Silvanô, người anh em trung tín, tôi cam đoan như thế, tôi viết vắn tắt thư này cho anh em, để khuyên nhủ và chứng thực rằng đó là ơn đích thực của Thiên Chúa, và anh em đang tận hưởng. Hội thánh được tuyển chọn ở Babylon và Marcô, con tôi, gởi lời chào anh em. Anh em hãy chào nhau trong cái hôn thánh thiện.

Nguyện (chúc) ơn Chúa ở cùng tất cả anh em, những người ở trong Đức Giêsu Kitô. Amen.    Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 88, 2-3. 6-7. 16-17

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời. Qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. – Đáp.

2) Lạy Chúa, trời xanh ca tụng những kỳ công của Chúa, và lòng trung thành Chúa trong công hội thánh nhân. Vì trên cõi nước mây, ai bằng được Chúa, trong các con Thiên Chúa, ai giống như Ngài? – Đáp.

3) Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: 1 Cr 1, 23. 24

Alleluia, alleluia! – Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, Ngài là quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 16, 15-20

“Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”.

Bài kết thúc Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.      Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

25/04/2024 – THỨ NĂM TUẦN 4 PS

Thánh Mác-cô, tác giả Tin Mừng

Mc 16,15-20

CẦN ĐƯỢC CHÚA KI-TÔ LẤP ĐẦY!

Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông. (Mc 16,20)

Suy niệm: “Niềm vui của Tin Mừng lấp đầy quả tim và cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giê-su” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng) nhắc ta về ý nghĩa cốt yếu của việc loan báo Tin Mừng: gặp được Chúa Ki-tô, được Người lấp đầy. Cốt yếu vì không ai có thể nói về Người mà chưa từng “chạm” hay “cảm” được Người. Một cuộc gặp gỡ ấn tượng với ai đó cho phép ta thỏa thích nói về họ với người khác, như cách mà các Tông đồ loan báo về Chúa Ki-tô. Một khi đã gặp, đã sống, được Người lấp đầy, các Tông đồ không thể nín lặng, nhưng phải ra đi rao giảng khắp nơi, hết mình cho sứ vụ và vì sứ vụ, kể cả khi phải mất mạng. Chúa Ki-tô chính là chìa khóa mở ra mọi khía cạnh của hoạt động sứ vụ, khiến các ông làm điều cần phải làm và nói điều cần phải nói.

Mời Bạn: Một trong những cách thức quảng cáo hiệu quả là cho các nhân viên đi tiếp thị sản phẩm, đến từng nhà, gõ cửa từng gia đình. Nhưng việc loan báo Tin Mừng thì khác hẳn. Các Tông đồ lôi cuốn người khác chỉ vì được Chúa ‘lấp đầy’, chứ không phải là quảng cáo suông thuần lý thuyết. Thánh Phao-lô cũng loan báo Chúa Ki-tô từ chính ‘cảm nghiệm có Chúa’ trong đời mình: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô.” Vậy theo bạn, trước hết phải làm gì để loan báo Chúa Ki-tô cho người khác?

Chia sẻ: Bạn cảm nghiệm thấy Chúa hoạt động thế nào trong đời bạn?

Sống Lời Chúa: Làm chứng cho Chúa với người lân cận bằng đời sống bác ái của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con trở nên “Tin Mừng sống” đưa dẫn người khác đến gặp Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Máccô, tác giả sách Tin Mừng.
Ngài thường được coi là người viết cuốn sách Tin Mừng đầu tiên.
Ngài đã thu tập những tài liệu có trước, rồi sắp xếp lại thành một câu chuyện.
Máccô muốn kể một câu chuyện lý thú về Đức Giêsu.
Dù khả năng viết tiếng Hy lạp của ngài không thuộc loại giỏi,
nhưng bù lại, ngài là một nhà kể chuyện có tài.
Ngài cho chúng ta một khuôn mặt Đức Giêsu rất sống động và rất người.
Đức Giêsu ấy biết giận dữ, biết xao xuyến, biết ngạc nhiên như người khác.

Máccô đã cầm bút viết tác phẩm của mình về Thầy Giêsu
trong một giai đoạn đen tối của Giáo hội sơ khai.
Vào năm 64, bạo chúa Nêrô đốt thành Rôma và đổ tội cho các Kitô hữu.
Cuộc bách hại dữ dội bắt đầu tại Rôma.
Vậy mà tại nơi ấy, giữa thời điểm căng thẳng ấy, Máccô viết sách Tin Mừng
dành cho những Kitô hữu không phải là người Do thái.

“Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1) :
Máccô đã bắt đầu tác phẩm của mình như thế.
Sách này thật là Tin Mừng nâng đỡ các tín hữu bị chao đảo bởi bách hại.
Đức Giêsu vác thánh giá mời gọi người ta trung tín bước theo Ngài.
Ngài đã chết nhưng hẹn gặp lại các môn đệ ở Galilê sau khi Ngài phục sinh.

Bài Tin Mừng hôm nay, tuy không phải do thánh Máccô soạn thảo,
nhưng lại hợp với ngày lễ mừng thánh nhân.
Đấng sống lại kêu gọi nhóm Mười Một đi khắp thế giới để rao giảng Tin Mừng.
Đó là Tin Mừng về Đức Giêsu bị đóng đinh nhưng nay được phục sinh,
được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (c. 19).
Các tông đồ đã vâng lời, đi rao giảng khắp nơi.
Chúa lên trời nhưng Ngài vẫn cùng làm việc với họ như xưa.
Ngài giúp họ có khả năng trừ quỷ, chữa bệnh, nói những thứ tiếng mới.
Ngài bảo vệ họ khỏi những hiểm nguy do rắn rít hay thuốc độc (cc.17-18).

Giáo Hội hôm nay cần nhiều Kitô hữu say mê rao giảng Tin Mừng.
Trên quê hương vẫn còn nhiều nơi vắng tiếng chuông nhà thờ buổi sáng.
Máccô đã kể chuyện về Giêsu bằng ngòi bút, viết trên giấy da hay giấy cói.
Chúng ta có nhiều phương tiện nhanh hơn, rộng hơn, để kể chuyện về Giêsu.
Làm sao để Giêsu đến gặp con người qua internet, sách báo, phim ảnh…?
Làm sao để cuộc đời chúng ta trở thành một cuốn sách Tin Mừng
để ai đọc cũng gặp được Giêsu ?

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.

Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

25 THÁNG TƯ

Phục Sinh Trong Hiện Tại

Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết tại một thời điểm nhất định trong thời gian. Tuy nhiên, Người vẫn đang đợi chờ sự Phục Sinh của Người tác động biến đổi mọi người. Người vẫn đang đột phá vào cuộc sống của mỗi cá nhân và vào lịch sử của mọi dân tộc. Nhưng tác động chuyển hóa của cuộc Phục Sinh đối với xã hội và cá nhân còn tùy thuộc vào sự hợp tác của con người nữa.

Trong cuộc Phục Sinh này, người ta phá vỡ sự ràng buộc của tội lỗi và sự chết. Người ta sống lại trong Đức Kitô như chính Người đã sống lại vào buổi sáng Phục Sinh cách đây hai mươi thế kỷ ấy. Vâng, bất cứ ở đâu có một trái tim thắng vượt ích kỷ, bạo lực, và đố kỵ – bất cứ ở đâu có một trái tim mở ra cho một ai đó đang cần đến mình – thì ở đó Đức Kitô được Phục Sinh từ cõi chết, được Phục Sinh trong hiện tại hôm nay. Bất cứ ở đâu có người theo đuổi công lý và hòa bình đích thực, thì sự chết bị đánh bại và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô được khẳng định lại. Bất cứ khi nào một người lìa đời sau khi đã sống một cuộc sống đầy tràn tin, yêu, và đau khổ vì Đức Kitô … thì ở đấy và lúc ấy có sự Phục Sinh.

Cuộc Phục Sinh này – được định liệu cho mọi người – là chiến thắng tối hậu. Đó là câu trả lời của Thiên Chúa cho những đau buồn và thử thách của con người. Đó không phải là sự chết mà chính là sự sống. Đó không phải là thất vọng mà chính là hy vọng. Và Giáo Hội mời gọi mọi con người hôm nay đón nhận niềm hy vọng này.

Giáo Hội nhắc lại với chúng ta, với mọi người, lời công bố khó tin nhưng rất thật rằng: Đức Kitô đã sống lại! Mong sao cả thế giới cùng sống lại với Người! Alleluia!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 25/4

Thánh Marcô, tác giả Sách Tin Mừng

1Pr 5, 5b-14; Mc 16, 15-20.

Lời suy niệm: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc 16,15-16)

          Đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho tất cả mọi Kitô hữu đang sống trên trần gian này, để giúp những người chưa nhận biết Chúa, được gặp được Chúa và tin vào Chúa và ơn cứu độ của Người.

          Bởi vì đạo Thánh Chúa Kitô mang đến cho con người một niềm hy vọng vĩ đại, vì chính Thiên Chúa toàn năng, nhân từ và trung tín đã hứa ban cho loài người một hạnh phúc sung mãn, bất diệt. Hạnh phúc ấy sẽ lấp đầy tất cả mọi khát vọng sâu xa nhất của lòng người về tình yêu và tự do, về công lý và hoà bình trường cửu vì hạnh phúc ấy chính là Thiên Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người trong chúng con có được cảm nhận về niềm vui Tin Mừng, hầu giúp chúng con có thể loan truyền Tin Mừng đến cho những người đang sống chung quanh chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 25-04

THÁNH MARCÔ THÁNH SỬ
(Thế kỷ I)

Marcô là ai ? Chắc chắn Ngài không phải là một trong 12 tông đồ. Nhưng một người tên Marcô đã được các cộng đoàn Kitô giáo sơ khai biết đến, nhiều như là người bạn đồng hành của thánh Phaolô và như người bạn thân ái của thánh Phêrô ở Roma (Cl 4,10; 1Pr 5,13; 2Tim 4,11). Sách Công vụ ba lần nói tới một “Gioan cũng gọi là Marcô” (Cv 12,12; 25,15.17) là bạn thiết của thánh Barnaba.

Các học giả thường đồng ý rằng: Marcô đã được nói tới trong các thánh thư, Gioan tên Marcô trong sách công vụ và tác giả Phúc âm thứ II đều chỉ là một người. Đồng ý với sự đồng hóa trên, chúng ta có thể phác họa hình ảnh của thánh sử như sau:

– Ngài là con của Maria. Một góa phụ giàu có ở Giêrusalem có một người giúp việc và căn nhà rộng rãi làm nơi tụ họp các tín hữu.

Năm 43, sau khi thoát khỏi ngục tù, thánh Phêrô đã chọn nhà này làm nơi trú ngụ (Cv 12,12-17). Như thế, Marcô sớm quen thuộc với những ghi nhận của thánh Phêrô. Hai năm sau, tức là năm 45, chúng ta thấy Marcô và thánh Barnaba cùng đi trong cuộc hành trình thứ nhất của Phaolô. Nhưng khi đoàn truyền giáo đi về hướng bắc, Marcô đã từ giã để trở về Giêrusalem (Cv 13,13). Phaolô bất bình và không muốn nhận cho Marcô đi theo trong cuộc hành trình thứ hai. Năm 50, như Barnaba đề nghị, Barnaba về phe với Marcô, và đáp tàu về Cyprus là quê hương của Barnaba (Cv 15,36-39).

Chúng ta không thấy nói gì đến Marcô nữa cho tới năm 61 khi Ngài ở Roma với Phaolô (Cl. 4,10), ba năm sau tức là năm 64 thánh nhân vẫn có mặt ở Roma vì Phêrô có nhắc tới tên Người trong các lời chào của mình (1Pr 5,13). Đây là năm thánh Phêrô chịu tử đạo. Ít lâu sau đó có lẽ thánh Marcô đã bắt đầu viết sách Phúc âm ở Roma, dầu một số tác giả mới đây cho rằng ở Alexandri. Năm 67, thánh sử ở Ephesô vì một ít tháng trước khi qua đời, thánh Phaolô dặn dò Timothêô đưa theo Marcô đến Roma (2Tm 4,14). Mối bất hòa xưa đã được hàn gắn hoàn toàn.

Từ đây, chúng ta phải dựa vào truyền thống để tìm hiểu về Marcô. Có lẽ sau khi thánh Phêrô qua đời, Marcô đi rao giảng ở Alaexandria thành lập và làm giám mục giáo đoàn này. Sự kiện không được chắc vì các bậc tiến sĩ của Alexandria như Clêmente (200), và Origênê (203) không nhắc nhở gì đến.

Cuốn Chronicon-Pascale không mấy có thế giá cho rằng: Marcô đã làm giám mục ở Alexandrie và bị thiêu sống dưới thời Trajanô (năm 98 – 117).

Dựa vào bút pháp của Marcô, chúng ta cố gắng tìm hiểu tính khí của Ngài. Tính chất sống động của Phúc âm thứ II biểu lộ rõ chứng tích mục kiến của Phêrô, chứ không phải của Marcô, dầu có thể là Marcô đã chứng kiến việc bắt bớ Chúa Giêsu vì các nhà chú giải đồng hóa Ngài với người thanh niên vô danh bỏ chạy mình trần (Mc 14,50-52). Dầu vậy, thánh Marcô không phải là một máy ghi âm diễn lại lời của Phêrô, Ngài là tác giả ghi lại ký ức của Phêrô với bút pháp riêng. Ngài là người ít lời (673 câu so với 1068 câu nơi Matthêu) và có giọng văn không chải chuốt.

Người ta có thể cho rằng: Ngài không có đau khả năng viết văn cho duyên dáng. Nhưng với những khiếm khuyết này, Marcô lại tỏ ra rất chân thành, Ngài đã ương ngạnh từ chối việc bỏ bớt những sự kiện vụng về hay là giải thích chúng. Chẳng hạn không thánh sử nào giấu giếm sự chậm hiểu của các thánh tông đồ, nhưng ở Marcô nhấn mạnh: “Lòng họ ra như chai lại” ( Mc 6,51). Marcô cũng không che dấu tham vọng không thể tin nổi của họ (Mc 9,34). Chính Phêrô cũng rất thẳng thắn: “Ông không biết phải đáp ứng làm sao” (Mc 9,6). Có lẽ chứng cớ hùng hồn nhất nói lên sự lương thiện của Marcô là Ngài đã liều tỏ ra mâu thuẫn với chính mình.

Chẳng hạn đối với Ngài Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ “vượt các thiên thần” (3,32) “có quyền tha tội” (2,10). Nhưng rồi Ngài không ngần ngại viết rằng: “Ở Nazareth Người đã không làm được phép lạ nào” (6,5) Ngài cũng không dấu diếm sự kiện bà con Chúa Giêsu nghi ngờ Người thiếu khôn ngoan (3,21) hay sự kiện Chúa Giêsu thất vọng với cây vả không trái (11,13). Những chi tiết loại này khiến cho tựa đề của Marcô được nguyên vẹn (Phúc âm Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa) nhưng lại mang dáng vẻ khó hiểu vì Ngài đã không thèm dấu giếm gì hết. Với một sử gia tài danh như vậy, chúng ta rất an tâm.

Tại đền thờ thánh Marcô người ta nói có chôn dưới bàn thờ thánh nhân do các thương gia mang từ Alexandria về vào thế kỷ IX. Thánh sử được biểu trưng bằng hình con sư tử vì Phúc âm của Ngài mở dầu bằng tiếng nói oai hùng của Gioan tẩy giả từ trong sa mạc. Đọc Phúc âm theo thánh Marcô, chúng ta như có thể nghe tiếng nói thô sơ của thánh sử “Đừng nhìn tôi, hãy nhìn Người”.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

25 Tháng Tư

Sư Tử Có Ðôi Cánh

Khách du lịch đến thưởng ngoạn Venezia, một thành phố mơ mộng nằm trên sông nước và được làm tăng thêm vẻ đẹp bằng những công trình kiến trúc độc đáo cũng như bằng những tác phẩm nghệ thuật thời danh nằm ở mạn đông bắc Italia, không thể bỏ qua công trường Marcô, công trình mang tên của vị thánh bổn mạng của thành phố Venezia và cũng là vị thánh Giáo hội mừng kính hôm nay.

Trên con đường tiến gần đến công trường Marcô, du khách nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh đứng sừng sững trên một ngọn tháp cao. Hình sư tử này nhắc đến sự nghiệp viết sách Phúc Âm đầu tiên của thánh Marcô, như chứng từ của sử gia Papias, sinh sống vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau:

“Marcô, người thông ngôn của Phêrô, đã viết ra đúng những gì nhớ được, tuy không theo thứ tự, về những điều Ðức Kitô đã nói và đã làm. Marcô không trực tiếp nghe Chúa giảng, cũng không phải là môn đệ của Ngài. Nhưng ông đã tháp tùng Phêrô, người đã giảng dạy theo những gì ông cảm thấy cần thiết, chứ không phải chủ tâm thuật lại lời Chúa một cách có hệ thống”.

Marcô là người thông ngôn và lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng, vì thế không lạ gì ở cuối bức thư thứ nhất, Phêrô gọi ông là “Marcô, người con của tôi”.

Ngoài sự gần gũi với thánh Phêrô, Marcô cũng tiếp xúc lân cận với Phaolô, bắt đầu vào lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 44, khi Phaolô và Barnaba đưa về Giêrusalem số tiền cộng đoàn Antiokia quyên được để trợ giúp cộng đoàn Mẹ. Khi trở về, Barnaba đem theo Marcô, là cháu của ông.

Sau đó, trong khi đồng hành với Phaolô và Barnaba để hoạt động truyền giáo ở đảo Cypre, vì một sự bất đồng ý kiến nào đó, Marcô đã bỏ về Giêrusalem. Vì lý do này, trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô đã nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnaba.

Nhưng trong những ngày cuối đời, khi chờ đợi ngày hành quyết, Phaolô đã viết thư nhắn với Timôthê: “Hãy đem cả Marcô đến nữa, vì tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy lắm”. Bạn bè người ta muốn gặp trong những ngày cuối đời phải là những người đồng sinh đồng tử!

Những chi tiết khác nhau đó của cuộc đời của thánh Marcô không lấy gì làm chắc. Có tài liệu cho là thánh nhân chết tự nhiên. Tài liệu khác lại cho là thánh nhân được phúc tử đạo. Vương cung thánh đường tại công trường Marcô ở Venezia tự hào là còn giữ lại hài cốt của Ngài.

Trong cuộc sống, Marcô đã chu toàn bổn phận mà mọi người Kitô được kêu gọi phải thực thi: Ðó là rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Ðức Kitô. Marcô đã thực hiện công việc này đặc biệt qua công tác viết sách Phúc Âm, những người Kitô khác qua kịch nghệ, âm nhạc, thơ phú hay qua việc dạy đạo cho con em quanh bàn ăn của gia đình hoặc qua cuộc sống chứng tá trong những sinh hoạt và nếp sống hằng ngày.

(Lẽ Sống)

LIÊN HỆ

Hoàng Minh:

Lm. Đặng Duy Linh:

Trang Web Họ Đạo:

GIỜ LỄ

Chúa nhật:

  • Thứ Bảy lúc 18h30
  • Chúa Nhật lúc 07h sáng và 18h30 chiều.

Ngày thường: 

  • Lễ hoặc Đọc kinh, suy niệm Lời Chúa lúc 18:30

Hành hương Đức Mẹ Côn Sơn: 

  • Lúc 2 giờ chiều ngày Chúa Nhật
  • Lúc 5 giờ 30 sáng, ngày 13 hàng tháng.

FACEBOOK HỌ ĐẠO

BẢN ĐỒ HƯỚNG DẪN

Kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp! Con được đến khẩn cầu dưới bức chân dung Mẹ hay làm phép lạ, thì linh hồn con hết lòng trông cậy vững vàng, khác nào con thảo đối với Mẹ lành vậy. Con thấy Đức Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người, và cũng là Chúa con đang ngự trên tay Mẹ, Người là Đấng phép tắc vô cùng, là Chúa Tể cầm quyền sinh tử, là Đấng ban phát mọi ơn lành. Vì Mẹ là Mẹ Người, vậy Mẹ có đủ quyền thế mà kêu xin Người, cùng đủ quyền buộc Người phải ưng nhận lời Mẹ. Người đã xưng thật Người chẳng có thể từ chối Mẹ ơn gì, mà lại ước ao muốn nghe lời Mẹ xin. Vậy lạy Mẹ Chúa Giêsu! Lời Mẹ cầu bầu rất đỗi thần thế, nên con dám nài xin Mẹ trong giờ khấn này, ban cho con như ý con xin. Con hết lòng cầu xin và trông cậy vững vàng Mẹ sẽ chuyển cầu cho con. Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp! Xin che chở mọi kẻ thuộc về con, cho Đức Giáo Hoàng, cho Hội Thánh, cho nước con, cho gia đình con, cho kẻ tình nghĩa, kẻ thù nghịch, và hết mọi kẻ khốn khó. Sau hết cho các Linh Hồn đáng thương trong Lửa Luyện Ngục. Thánh Maria, lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu bầu cho con. Lạy Thánh Anphongsô, quan thầy bầu chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi thiếu thốn biết chạy đến cùng Đức Mẹ Maria. Amen.

  Imprimatur, 14.02.2020 GM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm  Giáo phận Mỹ Tho 

KINH RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG

Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao rước Chúa vào linh hồn con. Nhưng, bởi vì bây giờ con không thể rước Chúa được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng, chẳng khác gì như con được rước Chúa thật. Con xin đón rước Chúa, cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ.”