HỌ ĐẠO CÔN SƠN


Loan Báo Tin Mừng

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai Tuần VI Phục Sinh – Năm B

 

BÀI ĐỌC I: Cv 16, 11-15

“Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe những lời Phaolô giảng dạy”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Chúng tôi xuống tàu tại Trôa và đi thẳng đến Samôthra, và hôm sau đến Nêapôli; rồi từ đó đi Philippê là thành thứ nhất vùng Macêđônia, và là xứ thuộc địa. Chúng tôi lưu lại thành này một ít ngày. Đến ngày Sabbat, chúng tôi đi ra ngoài cửa thành đến bờ sông, chỗ người ta thường hợp nhau đọc kinh. Chúng tôi ngồi xuống giảng cho những phụ nữ đang tề tựu ở đó. Bấy giờ có một bà tên là Lyđia, buôn vải gấm, quê ở Thyatira, có lòng thờ Chúa, cũng ngồi nghe; Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe các điều Phaolô giảng dạy. Sau khi chịu phép rửa tội làm một với gia đình, bà nài xin rằng: “Nếu các ngài xét thấy tôi đã nên tín đồ của Chúa, thì xin đến ngụ tại nhà tôi”. Bà nài ép chúng tôi. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b

Đáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Đấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 13

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 15, 26 _ 16, 4

“Thần Chân lý sẽ làm chứng về Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

06/05/2024 – THỨ HAI TUẦN 6 PS

Ga 15,26-16,4a

CÙNG THÁNH THẦN LÀM CHỨNG CHO CHÚA KI-TÔ

“Đấng Bảo Trợ… là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” (Ga 15,26-27)

Suy niệm: Ngay lúc sắp chịu khổ hình Đức Giê-su giao cho các môn đệ nhiệm vụ làm chứng về Ngài. Lời chứng chỉ đáng tin khi người làm chứng là người trực tiếp chứng kiến, và hơn nữa họ hoàn toàn xác tín nói lên điều mà chính họ đã “mắt thấy tai nghe” (x. Cv 4,20). Nhiệm vụ làm chứng cho Đức Ki-tô được giao cho các môn đệ thật là thích đáng bởi vì các ông “ở với Chúa ngay từ đầu”. Nhưng nhiệm vụ cao cả đó có thể trở nên bất khả thi bởi vì vô vàn khó khăn thách đố: Thế gian ghét Đức Ki-tô thì họ cũng ghét các môn đệ Người. Chính vì thế, Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo trợ được sai đến để họ cùng với Ngài làm chứng cho Đức Ki-tô. Tại công đồng Giê-ru-sa-lem năm 49, các tông đồ đã tuyên bố như thế: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” (Cv 15,28).

Mời Bạn: Ở với Chúa Ki-tô, cùng với Chúa Thánh Thần là điều kiện thiết yếu để làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô. Làm chứng cho Chúa không chỉ là việc truyền đạt một thông tin, mà còn là dám sống và dám chết cho niềm tin ấy. Hiệp cùng Chúa Thánh Thần trong đời sống cầu nguyện, và trình bày Đức Ki-tô trước hết qua những cử chỉ, hành vi và cả sự hiện diện thể hiện tình yêu thương, đó là cách làm chứng hiệu quả mà lời nói suông không thể làm được.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái với ý hướng làm chứng cho Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban sức mạnh để chúng con cùng với Chúa làm chứng rằng Đức Ki-tô chính là Đấng cứu độ trần gian. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Chúng ta thường cầu xin Chúa Thánh Thần
trước một cuộc tĩnh tâm, một hội nghị hay một cuộc gặp gỡ tìm ý Chúa.
Thánh Thần cho ta ánh sáng để quyết định.
Nhưng Thánh Thần cũng là Đấng ban sức mạnh đỡ nâng,
nhất là lúc Giáo Hội gặp gian nan thử thách.

Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh của sự bách hại.
Các môn đệ sẽ bị ghét bỏ, bắt bớ (Ga 15, 18-20).
Hơn nữa, họ còn bị trục xuất khỏi hội đường và bị giết (Ga 16, 2).
Sau khi Đức Giêsu về trời, ai sẽ là người đứng ra bảo trợ họ?
Ai sẽ là người giúp họ can đảm để làm chứng cho Đấng phục sinh?
Đức Giêsu trả lời: chính Thánh Thần, Đấng mà Ngài sai đến từ nơi Cha.
Thánh Thần từ từ tỏ mình ra như một Đấng, một ngôi vị có thực,
đang hiện diện trong lòng từng Kitô hữu và trong cộng đoàn.
Thánh Thần là Đấng ở với anh em,
ở giữa anh em và ở trong anh em (Ga 14, 16-17).
Như thế Đức Giêsu thực sự chẳng lìa xa chúng ta.
Ngài vẫn hiện diện liên tục bên chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài sai đến.

Giáo Hội sơ khai đã có kinh nghiệm sâu xa về Đấng Bảo trợ này,
đặc biệt trong giai đoạn bị bách hại.
Stêphanô là người đầy Thánh Thần (Cv 6, 5).
Khi ông tranh luận với những người Do thái cứng lòng,
Thánh Thần đã ban cho ông lời lẽ khôn ngoan không ai địch nổi (Cv 6, 10).
Trong Thánh Thần, ông đã làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh,
Đấng đang đứng bên hữu Thiên Chúa (Cv 7, 55-56).
Chính lời chứng này đã đưa ông đến cái chết tử đạo đầu tiên.
Cái chết của Stêphanô nhắc ta nhớ lời hứa của Đức Giêsu.
Giờ bị thẩm tra là giờ thánh, giờ làm việc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi đứng trước các nhà lãnh đạo, Đức Giêsu khuyên ta đừng lo phải nói gì,
“vì trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết điều phải nói” (Lc 12,12),
đến nỗi “không phải chính anh em nói,
mà là Thần khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 20).
Cái chết của bất kỳ vị tử đạo nào cũng là một sự kết hợp diệu kỳ
giữa lời chứng bằng máu của họ với lời chứng của Thánh Thần ở trong họ.
“Người sẽ làm chứng về Thầy, anh em cũng làm chứng
vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27).

Chẳng bao giờ các Kitô hữu hết gặp khó khăn khi còn sống ở đời này,
hết phải làm chứng cho Đức Giêsu trước một thế giới thù nghịch.
Chẳng phải bách hại chỉ có dưới thời các vua triều Nguyễn.
Cuộc sống tiện nghi, dễ chịu thời nay cũng là một thứ bách hại nhẹ nhàng,
khiến nhiều Kitô hữu bị vướng vào và dễ dàng bước qua thập giá.
Xin Thánh Thần thêm sức cho ta khi ta phải lội ngược dòng.

 

Cầu Nguyện

Giữa những ồn ào của đám đông,
giữa những sôi nổi của thành công
và ê chề của thất bại,
xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng,
giữa những khát khao thèm muốn
và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,
giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có ai để cậy dựa,
xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
để một mình ở đó,
trầm lắng và bình an.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG NĂM

Nhà Trồng Nho Cố Vun Xới Để Có Một Mùa Bội Thu

Trong kết hiệp với thân nho, mỗi cành đều có chỗ riêng của mình. Thật vậy, sự sống của Đức Kitô truyền tới mỗi cành nho và nuôi dưỡng nó. Khi Đức Kitô tuyên bố: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là Người trồng nho”, Người cũng cho biết: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Ngài chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15, 1 – 2).

Và Đức Kitô nói tiếp: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (câu 3). Khi nói “anh em”, dù sử dụng từ ngữ số nhiều, người cũng đang nhắm nói với từng người. Người đang nghĩ đến từng cành nho.

Người tiếp: “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (câu 4). Rồi liền theo đó, Người xác nhận: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”.

Khi nói “anh em”, Đức Kitô có ý chỉ “từng người trong anh em”. Và hình ảnh mà Người trình bày xoáy vào một thân nho duy nhất. Chỉ nơi Người, các cành nho mới nhận được sự sống. Và mỗi cành nho đều tìm được sự sống nơi Người. Cây nho có nhiều cành, nhưng “nhiều” ở đây không phải là một “mớ” hay “đống” tản mác rời rạc được chất lại với nhau. Mỗi cành nho đều được nâng đỡ bởi cây nho. Mỗi cành nho đều được gắn kết với cây nho bằng mối liên lạc độc đáo của riêng mình. mối quan hệ giữa từng người chúng ta với Đức Kitô cũng có tính biệt vị như thế. và qua mối quan hệ với Đức Kitô, chúng ta cũng được đi vào mối thông hiệp với Cha.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 06/5

Cv 16, 11-15; Ga 15, 26 – 17,4a.

Lời suy niệm: Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” (Ga 15,26-27)

          Chúa Giêsu đang nhắc lại cho các Tông Đồ của Người nhớ lại “Anh em đã ở với Thầy ngay từ đầu sứ vụ rao giảng của Người, và giờ đây anh em phải: “Làm chứng”. Điều này cũng gợi lên nơi mỗi người Kitô hữu của chúng ta là: Lòng tin vào Chúa Giêsu với sự tín thác đời mình trong sự quan phòng của Người qua các ân sủng, với niềm tin và sự phó thác này giúp lòng nhiết thành hiểu biết về Chúa và muốn được nhiều người khác cũng biết về Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu, làm chứng nhân cho Chúa giữa một thế gian là một đặc ân cho người Kitô hữu chúng con. Xin cho đời sống đức tin của chúng con được thực hiện trong từng ngày sống với những người đang chung sống với chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

06 Tháng Năm

Khác Biệt Giữa Ngày Và Ðêm

Một vị đạo sĩ Ấn Giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau: “Làm thế nào để biết được đêm đã tàn và ngày bắt đầu?”

Một người đệ tử trả lời như sau: “Khi ta trông thấy một con thú từ đằng xa và ta có thể nói: đó là con bò hay con ngựa”.

Câu trả lời trên đây đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý chút nào…

Người đệ tử thứ hai mới lên tiếng nói: “Khi ta thấy một cây lớn từ đằng xa vàta có thể nói nó là cây xoài hay cây mít”.

Vị đạo sĩ cũng lắc đầu không đồng ý. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết câu giải đáp, ông mới ôn tồn nói như sau: “Khi ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào và nhận ra người anh em của ta trong người đó thì đó là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu. Nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi”.

Ngày 25 tháng 12, lễ Thần Mặt Trời của dân ngoại đã được Giáo Hội chọn làm ngày sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quả thực là Mặt Trời Công Chính. Ngài xuất hiện để báo hiệu Ðêm đã tàn và Ngày Mới bắt đầu.

Nhân loại đã chìm ngập trong đêm tối của tội lỗi, đêm tối của trốn chạy khỏi Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau giữa người với người. Chúa Giêsu đã đến để xóa tan đêm tối ấy và khai mở ngày mới trong đó người nhận ra người, người trở về với Thiên Chúa.

Quả thực, chỉ trong Ðức Giêsu Kitô, mầu nhiệm con người mới được sáng tỏ. Trong đêm tối âm u của khước từ Thiên Chúa và chóii bỏ lẫn nhau, con người đã không biết mình là ai, mình sẽ đi về đâu. Trong ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, con người nhận dạng được chính mình cũng như nhìn thấy người anh em của mình. 

 

hận ra người anh em nơi một người nào đó chính là nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mọi người cũng như phẩm giá vô cùng cao quý của người đó.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó là nhìn thấya niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh và ngay cả lỗi lầm của người đso như của chính mình.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là không thất vọng về khả năng hướng thiện của người đó.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là muốn nói với người đó rằng, cách này hay cách khác, ta cần người đó để được sống xứng với ơn gọi làm người hơn.

(Lẽ Sống)

LIÊN HỆ

Hoàng Minh:

Lm. Đặng Duy Linh:

Trang Web Họ Đạo:

GIỜ LỄ

Chúa nhật:

  • Thứ Bảy lúc 18h30
  • Chúa Nhật lúc 07h sáng và 18h30 chiều.

Ngày thường: 

  • Lễ hoặc Đọc kinh, suy niệm Lời Chúa lúc 18:30

Hành hương Đức Mẹ Côn Sơn: 

  • Lúc 2 giờ chiều ngày Chúa Nhật
  • Lúc 5 giờ 30 sáng, ngày 13 hàng tháng.

FACEBOOK HỌ ĐẠO

BẢN ĐỒ HƯỚNG DẪN

Kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp! Con được đến khẩn cầu dưới bức chân dung Mẹ hay làm phép lạ, thì linh hồn con hết lòng trông cậy vững vàng, khác nào con thảo đối với Mẹ lành vậy. Con thấy Đức Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người, và cũng là Chúa con đang ngự trên tay Mẹ, Người là Đấng phép tắc vô cùng, là Chúa Tể cầm quyền sinh tử, là Đấng ban phát mọi ơn lành. Vì Mẹ là Mẹ Người, vậy Mẹ có đủ quyền thế mà kêu xin Người, cùng đủ quyền buộc Người phải ưng nhận lời Mẹ. Người đã xưng thật Người chẳng có thể từ chối Mẹ ơn gì, mà lại ước ao muốn nghe lời Mẹ xin. Vậy lạy Mẹ Chúa Giêsu! Lời Mẹ cầu bầu rất đỗi thần thế, nên con dám nài xin Mẹ trong giờ khấn này, ban cho con như ý con xin. Con hết lòng cầu xin và trông cậy vững vàng Mẹ sẽ chuyển cầu cho con. Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp! Xin che chở mọi kẻ thuộc về con, cho Đức Giáo Hoàng, cho Hội Thánh, cho nước con, cho gia đình con, cho kẻ tình nghĩa, kẻ thù nghịch, và hết mọi kẻ khốn khó. Sau hết cho các Linh Hồn đáng thương trong Lửa Luyện Ngục. Thánh Maria, lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu bầu cho con. Lạy Thánh Anphongsô, quan thầy bầu chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi thiếu thốn biết chạy đến cùng Đức Mẹ Maria. Amen.

  Imprimatur, 14.02.2020 GM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm  Giáo phận Mỹ Tho 

KINH RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG

Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao rước Chúa vào linh hồn con. Nhưng, bởi vì bây giờ con không thể rước Chúa được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng, chẳng khác gì như con được rước Chúa thật. Con xin đón rước Chúa, cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ.”