HỌ ĐẠO CÔN SƠN


Loan Báo Tin Mừng

SUY NIỆM LỜI CHÚA – CHÚA NHẬT 21 TN – NĂM B

 

BÀI ĐỌC I: Gs 24, 1-2a. 15-17. 18b

“Chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa chúng tôi”.

Bài trích sách ông Giosuê.

Trong những ngày ấy, Giosuê triệu tập tất cả các chi tộc lại ở Sikem, rồi gọi các kỳ lão, các thủ lãnh gia tộc, quan án, sĩ quan đến, và họ đứng trước mặt Thiên Chúa. Giosuê liền nói với toàn dân như thế này: “Nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mêsôpôtamia, hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa”. Dân trả lời rằng: “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất cả những dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 16-17. 18-19. 20-21. 22-23

Đáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

2) Thiên Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai.

3) Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ; Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát.

4) Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Thiên Chúa luôn luôn giải thoát. Người giữ gìn họ xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy.

5) Sự độc dữ sẽ sát hại đứa ác nhân; kẻ ghét người hiền sẽ phải đích thân đền tội. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi.

BÀI ĐỌC II: Ep 5, 21-32

“Mầu nhiệm này thật lớn lao: trong Đức Kitô và trong Hội Thánh”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Đức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Đức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Đấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy. Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh, để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền. Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Đức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 27

All. All. – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta”. – All.

PHÚC ÂM: Ga 6, 61-70

“Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Điều đó làm các con khó chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

25/08/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 21 TN – B

Ga 6.54a.60-69

ĐI CHO ĐẾN CÙNG!

“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6,68).

Suy niệm: “Trước khi từ bỏ, hãy nghĩ đến lý do khiến bạn bắt đầu.” Trong tiểu thuyết “Nhà Giả Kim,” chàng trai trẻ Santiago ước mơ đi khắp thế giới. Trong hành trình thực hiện ước mơ ấy, cậu gặp vô số khó khăn, thậm chí suýt mất mạng. Thế nhưng, tất cả thử thách không đè bẹp nổi ý chí sắt đá của cậu. Cuối cùng, cậu đã thành tựu, tìm thấy kho tàng, hoàn thành ước nguyện. Một số người theo Chúa Giê-su đã ‘rẽ đường’ vì không chấp nhận lời giảng ‘chói tai’: “Làm sao ông này lấy thịt ông cho chúng ta ăn được!” Đối lại, Phê-rô vẫn vững một lập trường: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có sự sống đời đời.” Phê-rô tin mình không lầm khi chọn Thầy là Đường để bước theo. Nhờ niềm tin kiên định cùng với ơn Chúa ban Phê-rô đi đến cùng con đường ơn gọi của mình, là dùng cái chết để minh chứng cho niềm tin yêu vào Thầy.

Mời Bạn: Trong nhiều thời kỳ bách hại của Giáo Hội, bạn dễ dàng nhận ra hai thái độ rõ rệt: trung kiên theo Chúa đến cùng, cho dù phải bỏ mạng, hoặc chọn giải pháp ‘bỏ của chạy lấy người.’ Lịch sử ấy, dưới một hình thức khác, cũng đang lặp lại trong thế giới hiện đại này; thế giới hôm nay cũng thách đố người Ki-tô hữu khi đối diện cám dỗ chọn lựa tiền của, danh vọng hay là Thiên Chúa và đức tin của mình. Mời bạn làm cuộc xét mình và chia sẻ với người khác lựa chọn thiêng liêng của bạn.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút trong ngày thân thưa với Chúa Giê-su về những thách đố đức tin bạn gặp phải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn cậy trông vào Chúa, không bao giờ thất vọng dù gặp gian nan. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:
Chẳng nên ngạc nhiên nếu có lúc đức tin gặp khủng hoảng.
Cả lịch sử Cựu Ước đong đưa giữa tin và không tin.
Khi Ðức Giêsu đến, người ta phải đứng trước một lựa chọn:
tin hay không tin vào Lời Ngài, vào con người Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy
một kinh nghiệm về khủng hoảng đức tin nơi chính các môn đệ.
Kinh nghiệm ấy thật gần gũi với con người hôm nay.

Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?
Ðó là phản ứng của các môn đệ ngày xưa
khi nghe Thầy Giêsu vén mở căn tính của Thầy.
Thầy khẳng định mình từ trời mà xuống (Ga 6,38),
và Thầy sẽ trở lại nơi Thầy đã ở trước kia (c.62),
sau khi hiến mình chịu chết cho nhân loại (c.51)
và nuôi nhân loại bằng chính máu thịt mình (c.53).
Hôm nay chúng ta vẫn có thể thấy chúng chướng tai.
Mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm Tử nạn của Con Thiên Chúa,
bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm Chúa về trời:
đó vẫn là và mãi mãi là những mầu nhiệm khôn dò.
Phải yêu mến mới hiểu được, mới chấp nhận được.
Hôm nay vẫn có câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng,
vì chướng tai, chướng cả với suy nghĩ và tình cảm của ta.
Lời Chúa đòi tôi đi xa hơn
và bắt tôi điều chỉnh lại mối tương quan đã có với Chúa.

Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Ngài nữa.
Họ đã đi với Ngài một thời gian,
đã tin và đã trở thành môn đệ.
Nhưng họ không thể đi tới cùng cuộc phiêu lưu này.
Trở nên môn đệ hay trở nên một Kitô hữu
không phải là một bảo đảm chắc chắn
mình sẽ trung tín mãi mãi với Ðức Kitô.
Trở nên môn đệ là bước vào cuộc phiêu lưu,
là khám phá ra một Ðức Kitô luôn luôn mới,
là để Ngài từ từ đưa ta đi sâu vào mầu nhiệm hơn.
Cuộc phiêu lưu nào cũng có chút rủi ro,
cũng đòi chút liều lĩnh,
vì đây là cuộc phiêu lưu của tình yêu, của lòng tin.
Ðã có những môn đệ không tin và bỏ đi.
Ngay trong nhóm ở lại cũng có kẻ phản bội.
Ðể khỏi bỏ cuộc, cần bỏ mình…

Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?
Ðại diện Nhóm Mười Hai, Phêrô bày tỏ thái độ ở lại.
Không phải vì ông và các bạn hiểu được lời Thầy Giêsu,
nhưng vì họ tin vào con người của Thầy,
tin Thầy là Ðấng Thánh của Thiên Chúa,
Ðấng đã cho dân ăn no nê, Ðấng đã đi trên biển.
Lòng tin này khiến họ chấp nhận cả những lời chướng tai.
Lời chướng tai là lời đem lại sự sống đời đời.
Nhiều bạn trẻ hôm nay cô đơn, nhưng không biết đến với ai.
Hãy cùng nhau đến với và ở lại bên Thầy Giêsu,
Ngài sẽ không làm chúng ta thất vọng.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

25 THÁNG TÁM

Một Kế Hoạch Hoạt Động Mục Vụ

Đâu là ý nghĩa của cuộc họp Thượng Hội Đồng bất thường 1985? Hai mươi năm sau ngày bế mạc Công Đồng, thật hữu ích – hay đúng hơn, thật cần thiết – việc nhìn lại chiều hướng của Giáo Hội. Điều này càng đặc biệt đúng bởi vì chúng ta đã chứng kiến một số xu hướng hay những giải thích về Vatican II có thể dẫn chúng ta đi lạc ra khỏi con đường đã được Công Đồng hoạch định cho chúng ta.

Và đó chính là chỉ nam căn bản cho kỳ Thượng Hội Đồng, một biến cố thu hút rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông và chiếm được sự quan tâm lớn lao của công luận. Như tôi đã nhấn mạnh vào dịp bế mạc kỳ Thượng Hội Đồng, tinh thần tập thể của các giám mục được biểu lộ một cách đặc biệt đậm nét trong tiến trình của kỳ Thượng Hội Đồng.

Trong biến cố quan trọng này, chúng ta đã trông thấy Giáo Hội – qua các giám mục – đã qui tụ lại để tái xác nhận công cuộc to lớn của Công Đồng Vatcan II. Hai mươi năm sau khi Vatican II bế mạc, các giám mục tụ họp lại để xem xét các kết quả của Công Đồng, để xem Giáo Hội đã triển khai những sáng kiến và những chỉ dẫn của Vatican II như thế nào suốt hai thập kỷ qua. Chúng ta nhận thấy cần phải dừng lại để suy tư – nhờ đó có thể đánh giá một cách khách quan tình trạng của Giáo Hội trong ánh sáng của Lời Chúa và với sự giúp đỡ của ơn Chúa.

Chúng ta đã qui tụ lại với sự tỉnh thức mới mẻ trong Thánh Thần để chúng ta có thể nhận ra “các dấu chỉ của thời đại” và phác họa một kế hoạch hoạt động mục vụ dựa theo tinh thần hàm chứa trong các văn kiện Công Đồng. Chúng ta muốn nhận ra những gì mình đã thực sự đạt được và những bước nào còn phải được xúc tiến để thực hiện công cuộc lớn lao này của Giáo Hội.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 25/8

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN

Gs 24, 1-2a.15-17.18b; Ep 5, 21-32; Ga 6, 54a. 60-69. 

Lời Suy Niệm: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” (Ga 6,54-55)

          Chúa Giêsu vừa loan báo, vừa mời gọi tất cả nhân loại hãy đến với Người, để tận hưởng lương thực chính Người trao hiến để có được sự sống đời đời nơi cõi phúc.

          Lạy Chúa Giêsu, thật là hạnh phúc cho người Kitô hữu chúng con, khi được phép ăn Thịt và uống Máu Thánh Chúa. Xin cho tất cả chúng con luôn ý thức và biết dọn mình mỗi khi tham dự Thánh Lễ hằng ngày, để thân xác và linh hồn có được lương thưc trường sinh. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 25-8: Thánh LUY

(1214 – 1270)

Thánh Luy sinh ngày 25 tháng 4 năm 1214. Cha Ngài là vua Luy VIII và mẹ Ngài là bà Blanche de Castille. Ngài được rửa tội tại Poissy. Để ghi nhớ ơn phúc rửa tội, Ngài thường ký tên là Luy de Poissy.

Ngay từ tuổi ấu thơ, Luy đã được hấp thụ từ nơi người mẹ thánh thiện và đầy nghị lực một nền giáo dục hoàn hảo. Chúng ta sẽ còn nhớ mãi lời khuyên mà người mẹ đạo đức đã nói với con mình: – Con ơi, mẹ yêu con trên hết mọi sự, nhưng mẹ thà thấy con chết ngay bây giờ trước mặt mẹ, còn hơn thấy con phạm một tội trọng mất lòng Chúa.

Năm Luy lên 12 tuổi vua cha từ trần, sau 3 năm trị vì. Ngài lên nối ngôi cha. Vì từ nhỏ tuổi mẹ Ngài nắm quyền nhiếp chính. Để bảo đảm, vị thái hậu tinh tế này đã đưa con tới Reims để được phong vương ngày 01 tháng 12 năm 1226. Nhưng điều bà tiên đoán đã xảy ra. Nhiều lãnh Chúa đã chống lại quyền cai quản của thái hậu. Họ không tới dự lễ phong vương. Trong hoàn cảnh này, thái hậu Blanche đã tỏ ra có tâm hồn cương nghị, quyết đương đầu với mọi thử thách. Cũng trong thời gian đầy sóng gió này, ưu tư lớn lao nhất của bà là huấn luyện lòng đạo đức cho người con yêu quí của mình.

Năm lên 20 tuổi, Luy vâng lời mẹ kết hôn với quận công Marguerite miền Provence. Quận công cũng là người nổi tiếng về lòng đạo đức, tinh thần và sắc đẹp. Châm ngôn của nàng là:

– Hoàng hậu của trần gian nhưng là tớ nữ của trời cao.

Năm sau, khi tới tuổi trưởng thành, Luy lãnh lấy quyền cai quản quốc gia. Những người nặng tinh thần thế tục, nghĩ rằng một khi thoát ách của thái hậu, Luy sẽ thông minh theo nếp sống lạc thú xa hoa. Họ lầm. Vua thánh Luy lại càng tỏ ra đạo đức hơn. Hàng ngày Ngài trung thành đọc kinh nhật tụng, tham dự thánh lễ và thăm viếng các nhà thương. Ngoài những ngày giữ chay theo luật buộc, Ngài ăn chay suốt mùa vọng, mọi thứ sáu trong năm và mọi ngày vọng mừng Đức Mẹ.

Có người kêu trách nếp sống đạo đức của Ngài, lấy lẽ rằng nó làm hại cho việc nước. Thánh nhân trả lời: – Nhiều người kỳ cục quá, họ cho việc siêng năng cầu nguyện của ta là một trọng tội và rồi họ sẽ chẳng nói năng gì nếu ta để giờ đi săn bắn vui chơi.

Đi đôi với lòng đạo đức, vua thánh Luy còn bày tỏ lòng thương người một cách đặc biệt. Mỗi chiều thứ bảy, Ngài có thói quen rửa chân cho một số người nghèo khổ tật bệnh và mời họ ăn cơm do chính Ngài thủ tiếp. Vị đại thần bực bội vì thói quen này. Một lần kia Ngài hỏi ông: – Một là bị phong cùi, hai là phạm một tội trọng ngươi chọn đàng nào ?

Viên quan trả lời : – Hạ thần thích 30 tội trọng hơn là bị cùi

Và vua trả lời : – Ngươi dại dột quá, nhà ngươi không biết rằng: còn có một bệnh nào ghê tởm bằng tội trọng, vì phạm tội trọng thì giống hệt như quỉ sứ.

Lòng quảng đại của Vua Luy còn lan rộng tra ngoài biên giới quốc gia. Vua Baudoin II, hoàng đế Contantinôple xin vua Luy trợ giúp và để đền ơn, ông đã biếu cho thánh Luy những báu vật liên quan đến cứu thế, như mão gai mà quân lính đã đội đầu Chúa Giêsu.

Thần dân dưới quyền vua thánh thiện được hưởng an bình thịnh vượng. Dầu vậy ngay vào năm 1242, Hugues de Lusingan nổi loạn, chống lại nhà vua, với sự trợ giúp của đứa con ghẻ là Henry III, vua nước Anh Vua Luy tỏ ra là một người có khả năng lãnh đạo, Ngài đã dẹp tan cuộc nổi loạn với chiến thắng ở Taillebourg.

Cùng với chí can trường, vua Luy còn triệu tập đoàn binh thánh giá hai năm sau đó. Cuộc xuất chinh mang lại thành quả ban đầu với chiến thắng tại Damietta, miền Châu thổ sông Nil. Nhưng vào tháng 4 năm 1250 Ngài trở thành kẻ chiến bại và bị bắt làm tù binh. Được thả, thánh nhân qua Palestina cho đến khi mẹ Ngài qua đời ngày 26 tháng 11 năm 1252, Ngài mới trở về tiếp tục công cuộc trị nước.

10 năm sau, vua Luy xuất chinh lần thứ hai. Tháng 7 năm 1270 Ngài cùng binh sĩ từ Aigues Mortes tới Africa. Nhưng ít tuần sau đó, Ngài mắc bệnh đậu lào và qua đời tại Tunis ngày 15 tháng năm 1270. Một đời sống với Chúa, thánh Luy đã chết trong bình an với lời nguyện dâng mình: – Con tiến vào nhà Chúa, con sẽ tôn thờ Chúa trong thánh điện Ngài và con sẽ tôn vinh danh Chúa.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

25 Tháng Tám

Giấc Mơ Của Một Thi Sĩ 

Thi sĩ Sully Prudhomme, người Pháp đã có lần tưởng tượng ra một giấc mơ như sau:

Ông mơ thấy một nhà nông bảo ông hãy cầm cày lấy đất, trồng lấy lúa, gặt lấy thóc, làm lấy gạo mà ăn. Ông mơ thấy người thợ dệt bảo ông hãy đánh lấy chỉ, dệt lấy áo mà mặc. Ông mơ thấy người thợ nề bảo ông hòa lấy vữa, xây lấy nhà mà ở. Còn gì nữa? Ông đã thấy mọi người bỏ ông, xa lánh ông, để ông trơ trọi với cảnh vật. Ông kinh hãi. Ông kêu cầu, khẩn hứa nhưng chỉ thấy mãnh thú xuất hiện trên đường.

Có lẽ không có bao nhiêu người đã mơ giấc mơ nói trên. Nhưng chắc chắn nhiều người chỉ nghĩ đến mình, tưởng rằng một mình có thể sống giữa vũ trụ, không cần đến ai, không cần ai giúp đỡ.

Không ai là một hòn đảo. Chúng ta đều bị ràng buộc với mọi người, chúng ta đổi công việc của chúng ta với công việc của người khác, chúng ta phụng sự người vì người đã phụng sự chúng ta.

Nhưng chúng ta không chỉ sống trong tình liên đới về mặt vật chất. Con người còn liên đới nhau về mặt hạnh phúc và đau khổ. Không ai hạnh phúc một mình và không ai một mình có thể chịu nổi sự đau khổ. Nhờ người, ta mới vui và nhờ người, ta mới trút bớt những cơ cực của ta. Thế giới này quá nặng khiến một người có thể mang nổi và sự khổ cực của vũ trụ quá lớn cho một trái tim.

  (Lẽ Sống)

LIÊN HỆ

Hoàng Minh:

Lm. Đặng Duy Linh:

Trang Web Họ Đạo:

GIỜ LỄ

Chúa nhật:

  • Thứ Bảy lúc 18h30
  • Chúa Nhật lúc 07h sáng và 18h30 chiều.

Ngày thường: 

  • Lễ hoặc Đọc kinh, suy niệm Lời Chúa lúc 18:30

Hành hương Đức Mẹ Côn Sơn: 

  • Lúc 2 giờ chiều ngày Chúa Nhật
  • Lúc 5 giờ 30 sáng, ngày 13 hàng tháng.

FACEBOOK HỌ ĐẠO

BẢN ĐỒ HƯỚNG DẪN

Kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp! Con được đến khẩn cầu dưới bức chân dung Mẹ hay làm phép lạ, thì linh hồn con hết lòng trông cậy vững vàng, khác nào con thảo đối với Mẹ lành vậy. Con thấy Đức Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người, và cũng là Chúa con đang ngự trên tay Mẹ, Người là Đấng phép tắc vô cùng, là Chúa Tể cầm quyền sinh tử, là Đấng ban phát mọi ơn lành. Vì Mẹ là Mẹ Người, vậy Mẹ có đủ quyền thế mà kêu xin Người, cùng đủ quyền buộc Người phải ưng nhận lời Mẹ. Người đã xưng thật Người chẳng có thể từ chối Mẹ ơn gì, mà lại ước ao muốn nghe lời Mẹ xin. Vậy lạy Mẹ Chúa Giêsu! Lời Mẹ cầu bầu rất đỗi thần thế, nên con dám nài xin Mẹ trong giờ khấn này, ban cho con như ý con xin. Con hết lòng cầu xin và trông cậy vững vàng Mẹ sẽ chuyển cầu cho con. Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp! Xin che chở mọi kẻ thuộc về con, cho Đức Giáo Hoàng, cho Hội Thánh, cho nước con, cho gia đình con, cho kẻ tình nghĩa, kẻ thù nghịch, và hết mọi kẻ khốn khó. Sau hết cho các Linh Hồn đáng thương trong Lửa Luyện Ngục. Thánh Maria, lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu bầu cho con. Lạy Thánh Anphongsô, quan thầy bầu chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi thiếu thốn biết chạy đến cùng Đức Mẹ Maria. Amen.

  Imprimatur, 14.02.2020 GM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm  Giáo phận Mỹ Tho 

KINH RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG

Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao rước Chúa vào linh hồn con. Nhưng, bởi vì bây giờ con không thể rước Chúa được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng, chẳng khác gì như con được rước Chúa thật. Con xin đón rước Chúa, cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ.”